Sự nghiệp Montesquieu

Các tác phẩm của Montesquieu phân chia xã hội Pháp thành ba tầng lớp: vua chúa, quý tộc và dân thường. Ông cũng quan sát thấy có hai loại quyền lực nhà nước là chuyên chế và hành chính. Quyền lực của nhà nước hành chính được chia thành lập pháp, hành pháptư pháp. Các quyền này được phân lập và phụ thuộc vào nhau để ảnh hưởng sao cho không một quyền nào có thể vượt quá hai quyền còn lại và ba quyền này được giao cho ba cơ quan khác nhau nắm giữ. Đây là quan điểm cấp tiến vì đã hoàn toàn loại bỏ ba đẳng cấp thời bấy giờ là tăng lữ, quý tộc và những người dân còn lại được gọi là Đẳng cấp thứ ba, tức là đã loại bỏ tàn tích của chế độ phong kiến. Tương tự ông cũng thấy có ba dạng nhà nước tồn tại dựa trên ba "nguyên tắc" xã hội là quân chủ (chính quyền được tự do do một người đứng đầu được thừa kế tức là vua hay nữ hoàng) dựa trên nguyên tắc danh dự; cộng hòa (chính quyền được tự do do người đứng đầu được bầu ra lãnh đạo) dựa trên nguyên tắc đức hạnh; và độc tài (chính quyền bị kiểm soát bởi các nhà độc tài) dựa trên nỗi sợ hãi. Ông cũng cho rằng thể chế chính quyền tốt nhất là quân chủ mà điển hình là nước Anh, ông dành bốn chương trong cuốn Tinh thần Pháp luật để bàn về nước Anh, nơi có nhà nước tự do ôn hòa, được duy trì bởi cán cân những quyền lực. Montesquieu lo rằng ở Pháp, giai cấp quyền lực trung gian (ví dụ như quý tộc) để điều hòa quyền lực của nhà vua, đang bị suy yếu.

Tư tưởng của ông được nhà vua nước PhổFriedrich II Đại Đế (trị quốc: 1740 - 1786) áp dụng, rằng pháp luật thống trị một nền quân chủ chân chính và bản thân nhà vua cũng phải tuân thủ.[1] Vị minh quân này đam mê vô số tác phẩm, trong số đó có cả những tác phẩm của Montesquieu.[2] Không những thế, ông còn ảnh hưởng lớn lao đến một vị minh quân khác - đó là nhà vua Gustav III nước Thụy Điển (trị quốc: 1772 - 1790).[3] Cũng như nhiều người đương thời, Montesquieu còn có nhiều quan điểm gây tranh cãi. Trong khi ông cho rằng phụ nữ có thể lãnh đạo chính quyền thì ông lại tin rằng họ sẽ lãnh đạo không hiệu quả bằng việc họ đứng đầu gia đình. Ông tin tưởng vào vai trò của quý tộc và quyền trưởng nam. Quan điểm của ông đã bị những người theo chủ nghĩa xét lại lạm dụng, ví dụ như, dù Montesquieu là một người đi trước thời đại trong việc phản đối chế độ nô lệ nhưng ông lại bị trích dẫn trong các văn bản là ông ủng hộ điều đó.

Trong cuốn Tinh thần Pháp luật ông cho rằng khí hậu có ảnh hưởng đến bản chất con người và xã hội và có những kiểu khí hậu như ôn đới ở Pháp là ưu việt hơn những nơi khác. Ông cho rằng người xứ nóng thì cũng nóng nảy còn người phương bắc thì cũng lạnh như băng cho nên khí hậu Trung Âu là lý tưởng nhất.